Ngành giáo dục Đô Lương tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về Giáo dục và Đào tạo và được UBND tỉnh tặng cờ thi đua năm học 2016-2017. Xin trân trọng giới thiệu vài nét về sự phát triển của giáo dục Đô Lương.
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, giáo dục Đô Lương cũng nằm trong tình trạng chung của giáo dục nước và có phần còn kém hơn nhiều huyện khác. Cả huyện Lương Sơn lúc ấy chỉ có một trường tiểu học Pháp – Việt 6 lớp không đầy 200 học sinh, phần lớn là con cái nhà giàu có, nghĩa là không đầy 1% dân số được đến trường.
Hơn bảy mươi năm qua, kể từ mùa thu khai trường đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang được hay không chính là nhờ công học tập của các cháu ”cùng với sự lớn mạnh của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền giáo dục cách mạng cũng không ngừng phát triển. Sự nghiệp giáo dục gắn liền với đổi mới của Đảng từ 1986 đến nay đặc biệt từ thời kì đổi mới do Đảng ta khởi xướng, BCH Trung ương Đảng đã có nhiều kì họp chuyên đề về giáo dục. Đó là Hội nghị Trung ương 2 khóa 8(1996). Trước đó khóa 7 có hội nghị Trung ương 4 (1992) đã đề ra nghị quyết về giáo dục. Khóa IX có hội nghị Trung ương 6 kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Trung ương 2 khóa 8. Quốc hội 1998 đã ban hành Luật giáo dục và gần đây được sửa đổi thông qua Luật giáo dục 2005 và một số Nghị quyết về giáo dục. Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo.
Tinh thần đổi mới giáo dục cũng được quán triệt và cụ thể hóa trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Đô Lương. Đó là việc Thường vụ Huyện ủy, UBNH huyện phê duyệt đề án xây dựng đội ngũ giáo viên, Đề án xây dụng đội ngũ giáo viên, đề án xây dụng trường chuẩn quốc gia ở Đô Lương giai đoạn 2000-2010; đề án xây dụng và phát triển trường Lý Nhật Quang. Chỉ thị số 11(1998) về phát triển giáo dục mầm non đến năm 2010. Các văn bản về phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2020. Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Các văn bản này đã thể hiện một tầm nhìn xa rộng và toàn diện về phát triển giáo dục. Vừa chăm lo nâng cao dân trí vừa chú trọng đào tạo nhân tài cho CNH-HĐH quê hương đất nước. Thể hiện đã thật sự làm đổi mới về nhận thức về vai trò quan trọng của giáo dục cùng khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu với quan điểm được chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện về Giáo dục và đào tạo.
Quá trình xây dựng và phát triển của giáo dục Đô Lương.
Trước hết về Phòng Giáo dục và Đào tạo được thành lập cùng sự phát triển của huyện nhà từ những năm 1963 đến nay. Trải qua qua các thời kỳ phát triển thăng trầm khó khăn cùng đất nước. Từ 1963-1967 Phòng Giáo dục lúc này mới hình thành do Thầy Nguyễn Liên ủy viên trực ủy ban huyện phụ trách; 1968-1972 do thầy Mai Văn Toại làm trưởng phòng giáo dục, từ 1972-1975 do thầy Trần Văn Tĩnh làm trưởng phòng, tiếp đến 1976 đến 2000 do Nhà giáo ưu tú Nguyễn Vĩnh Chung làm trưởng phòng thời gian lâu nhất 24 năm. Từ 2001 đến 2011 Nhà giáo ưu tú Vương Đình Long làm trưởng phòng; tiếp đến 2011 đến 2016 đ/c Nguyễn Tất Tây làm trưởng phòng và 2017 do đ/c Dương Xuân Chất phụ trách quản lý và điều hành Phòng GD&ĐT.
Thành tích: Liên tục nhiều năm liền là đơn vị tiên tiến xuất sắc, có 2 lần được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 1999, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2007, có được 8 lần nhận cờ thi đua Cờ thi đua Chính phủ, UBND Tỉnh và Bộ GD&ĐT. Có nhiều cá nhân xuất sắc tiêu biểu là các nhà giáo Ưu tú: Nguyễn Vĩnh Chung, Vương Đình Long, Bùi Nguyên Anh.
Về các trường Trung học Phổ thông và TTGDTX trên địa bàn: Trường THPT Đô Lương 1 thành lập từ năm 1959 tiền thân là trường cấp 3 Đô Lương trải qua 58 năm xây dựng và phát triển. Đạt chuẩn Quốc gia năm 2010, hai lần được tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba năm 1994 và hạng nhì vào năm 2009. Là đơn vị có chất lượng tốp đầu của tỉnh trong nhiều năm liền. Trường THPT Đô Lương 2, thành lập từ năm 9/1965 trải qua 52 năm xây dựng và phát triển.Trường đạt được nhiều thành tích trong dạy học và giáo dục. Trường THPT Đô Lương 3 thành lập từ 28.2. 1978 trải qua 39 năm xây dựng và phát triển, trường luôn là nguồn đào tạo nhiều cán bộ quản lý cho ngành. Trường THPT Đô Lương 4 thành lập từ năm 2006 mới chỉ hơn 10 năm xây dựng và phát triển trường đã có nhiểu thành tích nổi bật trong mấy năm gần đây. Chúng ta có thêm hai trường dân lập từ năm 22/8/1996 nay chỉ còn lại Trường THPT dân lập Duy Tân. TTGDTX được thành lập từ trường Dân chính Đô Lương năm 1976 sau 41 năm xây dựng và trưởng thành, Huân chương Lao động hạng ba năm 2012. Thành tích nổi bật là đơn vị dẫn đầu khối GDTX cấp tỉnh và có Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Bưởi.
Về các trường THCS từ những năm đầu thành lập huyện chúng ta chỉ có 13 trường cấp 2 có 90 lớp và 4808 học sinh. Cho đến nay đã có khi chúng ta có 33 trường THCS, đến nay do yêu cầu của sự sáp nhập trường còn lại là 22 trường với 10 855 học sinh. Nét nổi bật của các cấp THCS là hoàn thành công tác phổ cập THCS năm 2003. Là cấp học có nhiều học sinh giỏi các cấp hàng năm và hiện có 10 đơn vị đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có trường THCS Lý Nhật Quang một ngôi trường sau 40 năm xây dựng và trưởng thành là đơn vị đạt chuẩn quốc gia năm 2010, được Chủ tịch nước trao tặng 2 lần Huân chương lao động hạng ba và hạng nhì và có nhiều nhà giáo ưu tú như: Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Lan.
Về các trường tiểu học trên địa bàn huyện, cấp tiểu học được hình thành sớm nhất đó là trường tư thục Chung Anh nhà cấp 4 với 6 phòng học hơn 200 học sinh từ năm 1939 được xây dựng thời Pháp thuộc lúc đó. Cho đến giai đoạn cuối thế kỷ 20 năm học 1993-1994 tiểu học có 37 trường với hơn 32.000 học sinh, tính đến nay tiểu học có 35 trường vớ 15.125 học sinh từ năm học 2017-2018. Có 35 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 16 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Điểm nổi bật của tiểu học là hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học sớm nhất tỉnh từ năm 1998. Chất lượng đại trà vững chắc, chất lượng mũi nhọn xuất sắc, đội ngũ giáo viên xuất sắc tiêu biểu: Giáo viên dạy giỏi quốc gia có 5 người, nhà giáo ưu tú có: Trần Thị Như Ngọc, Nguyễn Thị Bảo Tuyết, Trần Thị Hòa. Có hai trường được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba đó là Trường tiểu học Thị Trấn 2005; Trường tiểu học Văn Sơn 2012.
Về bậc học mầm non có được thành lập khá sớm, ban đầu chỉ là các nhóm lớp, trường bán công, dân lập. Năm 1963 lúc đầu vỡ lòng chỉ có 132 lớp, 4647 trẻ có 119 giáo viên (54 nữ). Mầm non thực sự phát triển muộn, nhờ chuyển đổi loại hình công lập từ năm 2010 Bậc mầm non mới có điều kiện phát triển mạnh như các cấp học khác . Tính đến nay mầm non có 33 trường công lập, 3 trường tư thục với 14.000 trẻ mầm non. Trong đó mẫu giáo chủ yếu có: 11167cháu, chất lượng chăm sóc ngày càng được quan tâm, tỷ lệ suy dinh dưỡng từ trên 20 % nay chỉ còn 9% là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ mầm non, nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với 20 trường, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và có 01 Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thân.
Vượt qua gian khổ khó khăn của hai cuộc kháng chiến, Giáo dục Đô Lương đã vươn lên mạnh mẽ, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới đất nước. Hoàn thành phổ cập Tiểu học 1992, phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi 2001; phổ cập Trung học cơ sở 2003 và đến nay một số xã đã đạt mức phổ cập THPT. Với một hệ thống trường, lớp rải đều khắp 32 xã và 1 thị trấn. Hiệu quả giáo dục mang lại đã rất rõ ràng, Đô Lương đã không còn người mù chữ và hầu như tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Suốt nhiều năm qua, chưa có ai thống kê hết được đã có mấy vạn học sinh Đô Lương tốt nghiệp phổ thông, trở thành những người lao động giỏi, những cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lí, có nhiều người trở thành anh hùng, những văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà doanh nghiệp. Cũng đã có hàng ngàn học sinh ưu tú rời mái trường ra đi đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Hàng ngàn em đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng. Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, Đô Lương đã có 5630 em đậu ĐH, CĐ; riêng năm 2017 là 682 em. Nổi bật như các em Trần Tuấn Hiệp, Dương Trọng Hoàng, Vũ Đình Long, Nguyễn Tất Nghĩa, Hoàng Anh Tài, Đào Hải Long, Tăng Văn Bình…
Những nhà giáo tiêu biểu trên địa bàn huyện Đô Lương.
Sở dĩ giáo dục nước ta nói chung, giáo dục Đô Lương nói riêng đạt được các thành tựu kể trên trước hết là do nền giáo dục ấy được phát triển trên một nền móng xã hội thuận lợi; bắt nguồn từ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, có tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối giáo dục đúng đắn của Đảng và Nhà nước vun đắp cho truyền thống ấy càng được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khó có thể kể hết được công lao các thầy cô, các tấm gương tiểu biểu trong sự nghiệp trồng người, ở đây chúng ta chỉ có thể điểm qua các gương nhà giáo tiểu biểu nhất .
Trước hết là thầy giáo Nguyễn Trung Lục, nhà giáo và là người làm chủ tịch UB cách mạng lâm thời huyện đầu tiên ở Đô Lương năm 1945. Nhà giáo nhân dân, Nguyễn Đình Noãn người quê Xuân Sơn là một trong số ít (3) Nhà giáo nhân dân của tỉnh Nghệ An. Nhà giáo ưu tú đầu tiên trên địa bàn huyện Đô Lương là Nhà Giáo ưu tú Nguyễn Khắc Liên năm 11/1992. Đô Lương có một gia đình có 4 nhà giáo và nhà khoa học như gia đình Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Cảnh Cầu, Nguyễn Cảnh Hồ, Nguyễn Cảnh Cầm quê ở Đông Sơn. Nhà giáo ưu tú: Nguyễn Vĩnh Chung là trưởng phòng giáo dục lâu nhất 24 năm có nhiều đóng góp cho sự phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trên chuẩn, là người khởi xướng phong trào xã hội hóa và xây dựng xã hội học tập ở Đô Lương. Gia đình có hai thế hệ là nhà giáo ưu tú như gia đình Nhà giáo ưu tú: Vương Đình Long và gia đình có hai chị em là Nhà giáo ưu tú: Nguyễn Thị Kiều Hương và em Nguyễn Thị Thanh Hoa. Nhiều tài năng sư phạm được bình xét, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, các giải thưởng về Khoa học công nghệ được trao cho các nhà giáo tâm huyết, từ các nhà trường, các nhà giáo tiêu biểu, nhà quản lý xuất sắc trong suốt 35 năm qua.
Hôm nay, chúng ta kỉ niệm 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Chúng ta càng tự hào vì sự phát triển của giáo dục không tách rời với sự phát triển của đội ngũ giáo viên. Quả thật, chừng ấy năm, từ những thầy giáo xóa mù chữ, thầy giáo bình dân học vụ, thầy giáo tay bút tay súng…đội ngũ nhà giáo Việt Nam nói chung, nhà giáo huyện nhà nói riêng đã trưởng thành, tô đậm nên bản sắc nhà giáo trên quê hương Đô Lương anh hùng.
Bước vào năm học mới 2017-2018 và những năm tiếp theo với khí thế mới, trên cơ sở những thành công đã đạt được, ngành tiếp tục có sự hậu thuẫn của nhân dân Đô Lương với truyền thống cần cù và hiếu học, các em học sinh chăm ngoan học giỏi, phát huy truyền thống quê hương Đô Lương.
Toàn ngành tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong toàn ngành. Với phương châm và giải pháp trọng tâm tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, công tác quản lý, tranh thủ sự chỉ đạo và đồng thuận của các cấp lãnh đạo và các ban, ngành, đoàn thể, coi trọng chất lượng giáo dục toàn diện, lấy các tiêu chí kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia làm mục tiêu và động lực. Đẩy mạnh phong trào thi đua “ dạy tốt – học tốt”, ứng dụng công nghệ thông tin làm đổi mới mạnh mẽ chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Ngành tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục lãnh đạo củng cố phổ cập giáo dục vững chắc của các cấp học ở 33 xã – thị trấn. Đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn liền với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên vững mạnh, đáp ứng đổi mới theo yêu cầu của đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tiếp tục duy trì chất lượng đại trà trong các trường học cấp học, giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, quan tâm chất lượng giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống, an ninh trường học, không có tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.
Chúng ta tin tưởng rằng, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, đội ngũ trí thức trẻ hôm nay, được thực hiện tốt quyền làm chủ ở cơ sở, được chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần với chế độ ưu đãi của Đảng và nhà nước, được nhân dân tin yêu sẽ vượt qua mọi khó khăn, làm trọn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ khóa XX đã đề ra.
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÔ LƯƠNG.