NGÀY TRỞ VỀ VỚI CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ
Hành trang của chúng tôi – có trên 30 cán bộ giáo viên, phụ huynh và 115 học sinh trường Tiểu học Minh Sơn mang theo chuyến hành trình là tấm lòng tri ân với hàng vạn người con đất Việt anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đoàn xe khởi hành vào lúc 6 giờ sáng trong niềm phấn khởi, hào hứng của mọi người. Cả một chặng đường dài trên xe luôn rộn ràng những khúc hát ca ngợi người chiến sỹ, những cô gái thanh niên xung phong, tình yêu quê hương, đất nước đã xua tan mỏi mệt, làm đường xa như gần lại.
Địa chỉ đỏ đầu tiên trong hành trình chúng tôi dừng chân là khu di tích lịch sử Truông Bồn, xã Mỹ Sơn. Nơi đây, có những người con gái, con trai, lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã ngã xuống, máu của họ hòa tan vào đất trời. Những con người đó đã viết nên một huyền thoại mang tên Truông Bồn. Tại nhà thờ chung, tập thể cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh trường Tiểu học Minh Sơn đã dâng hương báo công với các anh hùng liệt sỹ. Sau đó, các thành viên trong đoàn đã thắp nén hương tri ân linh hồn của 1 240 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cho tổ quốc. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội Cọc tiêu sống” anh hùng thuộc Đại đội thanh niên xung phong 317.
Tạm biệt Truông Bồn, tạm biệt các chị, các anh chúng tôi tiếp tục chuyến đi bồi đắp tâm hồn với địa chỉ đỏ “Ngã ba Đồng Lộc”. Uống nước nhớ nguồn đã là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, những ngày tháng tư này, Ngã ba Đồng Lộc nườm nượp những đoàn về thăm viếng. Ngã ba Đồng Lộc – một địa chỉ đỏ, là mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng – cái tên mà chỉ cần nhắc tới thôi khiến ai cũng nghĩ ngay tới cụm từ “tọa độ chết”. Tháng tư lịch sử, trời Đồng Lộc nắng chói chang, nóng gay gắt nhưng không ngăn được bước chân của dòng người tri ân những nữ anh hùng liệt sỹ.
Trên hành trình về với Ngã ba Đồng Lộc, tại Hội trường của nhà khách khu di tích, tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng các em học sinh được xem phim tài liệu “Ngã ba Đồng Lộc – đất và trời”, nghe thuyết minh về lịch sử và sự tích 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Những thước phim đưa chúng tôi về với những tháng ngày ác liệt dưới làn mưa bom bão đạn của Đế quốc Mĩ. Qua đây, mọi người được biết đến nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, thông minh và sáng tạo như Anh hùng La Thị Tám – tự vệ giao thông huyện Can Lộc; Vương Đình Nhỏ – Đội trưởng phá bom; Nguyễn Tiến Tuẩn – Tiểu đội trưởng Cảnh sát giao thông… Đặc biệt là sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Từ phòng chờ, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đã di chuyển qua nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 cô gái, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, dâng hoa, thắp hương tri ân và tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Chia tay các anh, các chị chúng tôi ra về mang theo lòng biết ơn sâu sắc vì sự hy sinh và công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Tạm chia tay với những địa chỉ đỏ, 10 giờ trưa đoàn xe chúng tôi chuyển bánh về Siêu thị Big C – thành phố Vinh để các em được ăn trưa, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Đến siêu thị, các em được đi thang máy và thỏa sức khám phá thế giới hàng hóa đa dạng và phong phú, đầy đủ mọi chủng loại, rực rỡ sắc màu, từ những vật dụng quen thuộc đến những sản phẩm mới lạ, khơi dậy trí tò mò, ham học hỏi. Đặc biệt, các em rất thích thú khi được chơi các trò chơi giải trí cùng sự đón tiếp thân tình của các cô chú nhân viên trong siêu thị.
Hai giờ chiều đoàn hành trình chúng tôi tiếp tục. Điểm đặt chân tiếp theo là làng “Hoàng Trù” quê ngoại của Bác. Nơi đã lưu giữ tuổi thơ của Bác trong 5 năm đầu đời (Từ lúc sinh ra đến lúc 5 tuổi). Nơi có ba ngôi nhà tranh trong đó ngôi nhà tranh thứ hai là nơi Bác Hồ đã sinh ra. Rời quê ngoại đoàn hành trình tiếp tục di chuyển đến một địa điểm cách đó không xa khoảng chừng 2 km là làng “Kim Liên” quê nội của Bác Hồ. Tại nơi đây mọi người được nghe giới thiệu, và tham quan cảnh quan ngôi nhà tranh mộc mạc nhưng chứa đầy tình cảm của ông Nguyễn Sinh Sắc dành cho vợ của mình là bà Hoàng Thị Loan. Cũng như hiểu hơn về con người của Bác, một nhà lãnh tụ vì đất nước mà quên tình riêng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng Bác chỉ về thăm quê hai lần, rồi khi người anh Nguyễn Sinh Khiêm và chị gái Nguyễn Thị Thanh qua đời Bác vì việc nước cũng không về được để chịu tang anh, chị của mình.
Rời làng Kim Liên, kết thúc chuyến hành trình trải nghiệm thực tế về các địa chỉ đỏ, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và đầy ý nghĩa trong lòng mọi người. Chuyến trải nghiệm thực tế là một hoạt động giáo dục có ý nghĩa nhất đối với các em học sinh, các em không chỉ được vui chơi giải trí mà các em còn có được những bài học lí thú, bổ ích về đất nước và con người Việt Nam chúng ta. Nhiều em lần đầu tiên được về thăm quê Bác đã không khỏi bồi hồi xúc động trước cuộc sông giản dị, mộc mạc mà thanh cao của Bác, nhiều em cảm phục và kính trọng sự dũng cảm hy sinh của những cô gái Thanh niên xung phong tại Truông Bồn huyền thoại và Ngã Ba Đồng Lộc…Để rồi thắp lên trong lòng các em ngọn lửa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Dưới đây là một số hình ảnh khác: